Huế từ bao đời nay đã vốn nổi tiếng về nhiều phương diện như lịch sử, ẩm thực, phong tục tập quán, nghệ thuật, áo dài và cả con người. Vậy bạn thực sự đã hiểu hết về Huế chưa? Hôm nay SWIO muốn giải đáp các câu hỏi về Huế mà chúng ta ít khi để ý đến.
1. Huế ở đâu?
Huế là một tỉnh nằm thuộc miền Bắc Trung Bộ Việt Nam. Huế có diện tích 5.048,2 km2, là cầu nối giữa miền Nam và Bắc trên cả đường bộ, đường sắt đường hàng không và đường thủy. Tỉnh này có biên giới phía Tây giáp với Lào, phía Nam giáp với Quảng Nam, phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Trị và phía Đông giáp với biển Đông.
Vị trí của Huế trên bản đồ Việt Nam
2. Các tên gọi khác của Huế?
Trước đây, Huế từng có tên là Phú Xuân, trong đó Phú có nghĩa là giàu, Xuân chỉ mùa xuân, tên gọi này chỉ sự sung túc. Sau này, được đổi tên thành Huế, ngoài ra mọi người còn gọi là Thừa Thiên Huế hay thành phố Cố đô.
Thừa Thiên Huế là tên gọi xuất hiện từ thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn. Thừa có nghĩa là “vâng theo” (như “thừa lệnh”), Thiên là trời, vậy nên Thừa Thiên được hiểu là “vâng mệnh trời”.
Huế còn được gọi là Cố đô vì trước kia nơi đây được chọn là kinh đô của các vị vua chúa triều Nguyễn (1687 – 1945). Đầu tiên, vua Quang Trung chọn đây làm kinh đô để cai trị đất nước. Đến năm 1802 khi Nguyễn Ánh tức vua Gia Long lên ngôi vẫn chọn thành Phú Xuân thuộc Huế ngày nay làm kinh đô cho nhà Nguyễn. Năm 1945 Huế chính thức không còn là thủ đô của Đàng Trong Việt Nam khi vua Bảo Đại – Vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị.
3. Huế có bao nhiêu thành phố, huyện, xã?
Huế có 1 thành phố là thành phố Huế với diện tích nhỏ nhất (72km2) nhưng dân số đông nhất (455.230 người). Huế có 6 huyện bao gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông với 152 đơn vị hành chính cấp xã (105 xã, 39 phường, 8 thị trấn). Trong đó, có 4 huyện giáp biển là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Hương Thủy và Hương Trà là 2 thị xã của Huế.
Bản đồ đơn vị hành chính Huế
4. Mã hành chính, bưu chính viễn thông, giao thông?
Mã hành chính: VN-26
Mã bưu chính: 53xxxx
Mã điện thoại: 234
Biển số xe: 75
5. Huế có phải là thành phố trực thuộc trung ương?
Huế hiện chưa phải là thành phố trực thuộc trung ương. Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được nâng cấp thành Thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
6. Huế có bao nhiêu dân tộc?
Huế có 5 dân tộc: Việt, Tà Oi, Cơ Tu, Bru – Vân Kiều, Hoa.
7. Huế có bao nhiêu di sản được UNESCO công nhận?
Tính đến nay, Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận. Gồm:
- Quần thể di tích Cố đô Huế
Đây là công trình mang tính lịch sử cao, là dấu vết còn lại của thời kì phong kiến Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, được UNESCO công nhận vào năm 1993. Vua Gia Long cho xây dựng Kinh thành Huế vào năm 1805 và hoàn thành năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Quần thể được xây theo hình vuông với diện tích rộng hơn 500ha, theo thứ tự 3 vòng thành là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Hoàng thành và Tử Cấm thành còn được gọi chung là Đại Nội.
Kinh Thành Huế
- Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể và Kiệt tác Di sản truyền khẩu năm 2003. Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất. Theo đánh giá của UNESCO: “Trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”. Đây là thể loại âm nhạc được phục vụ trong chốn cung đình ở Huế gắn liền với các dịp quan trọng như lễ đăng cơ, lễ tang, ngày lễ tôn giáo…
Nhã nhạc cung đình Huế
- Mộc bản triều Nguyễn
Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2009. Mộc bản triều Nguyễn là những tấm gỗ quý được khắc ngược chữ Hán và chữ Nôm (giống như khắc con dấu), sau đó quét mực rồi ép mặt in ra giấy để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ. Mộc bản gồm 34.618 tấm gỗ. Nội dung của các mộc bản có 9 chủ đề khác nhau: Địa lý, Lịch sử, Quân sự, Pháp chế, Văn thơ, Tôn giáo – Tư Tưởng – Triết học, Chính trị – Xã Hội, Văn hóa – Giáo dục. Ngoài việc mang lại giá trị về nguồn tư liệu thì Mộc bản triều Nguyễn còn mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật chế tác.
Mộc bản triều Nguyễn
- Châu Bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn là tập hợp toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945). Châu bản triều Nguyễn bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển… được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Châu bản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2014. Châu bản triều Nguyễn gồm 773 bản tài liệu chữ Hán – Nôm, tương đương với khoảng 85.000 văn bản hành chính được sử dụng trong hoạt động điều hành và quản lý nhà nước triều Nguyễn. Trong bản tư liệu này đóng vai trò đặc biệt trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Châu bản triều Nguyễn
- Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Thơ văn được khắc trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Tư liệu Thế giới năm 2016. Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn nề ngõa sành sứ. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.
Các bài thơ điêu khắc trên các công trình
Qua đó, chúng ta có thể thấy tình Thừa Thiên Huế nói chung và văn hóa triều đình Nguyễn nói riêng thì đã có 5 di sản mang tầm quốc tế, Huế thực sự trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”.
8. Các món ăn nổi tiếng
Huế không chỉ nổi tiếng về những nét đẹp văn hóa và giá trị lịch sử mà còn đặc sắc trong ẩm thực. Có thể nói, vùng đất này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi nét ẩm thực và phong cách ăn uống của cung đình xưa, chẳng những ngon mà còn cầu kì trong hương vị và cách bài trí tinh tế. Cùng phở và bánh mì, bún bò Huế đã trở thành món ăn trứ danh khi mọi người nghĩ về Huế, Việt Nam. Ngoài ra, Huế với các món bánh ngon cũng đủ sức níu lòng du khách, một số loại bánh như bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh khoai… tuy giản dị nhưng rất khác biệt.
Bún bò Huế
SWIO mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về Huế. Đối với SWIO khi nghĩ về Huế, nơi này mang một nét đẹp của sự tĩnh lặng, của thời gian mà không một nơi nào có. Mọi người hãy đến đây để cảm nhận nhé!