Sau bài viết “Cẩm nang du lịch Hồ Tràm từ A đến Z (Phần 1)”, các bạn đã chuẩn bị sẵn sàng hành lý, lộ trình và khu resort ưng ý để du lịch Hồ Tràm chưa nào? Trong phần 2 này, chúng ta hãy cùng điểm qua một số địa điểm tham quan, vui chơi ở Hồ Tràm, những món ăn đặc sản nơi đây và cuối cùng là một số lưu ý khi đi du lịch Hồ Tràm nhé. Nếu bạn đã bỏ lỡ phần 1 thì đừng lo, hãy nhấn vào link bên dưới (nhấn vào đây) để xem lại những thông tin ở phần 1 nhé!
1. Các địa điểm tham quan/ vui chơi
1.1. Bãi biển Hồ Cóc
Địa điểm: xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Với nét đặc trưng một bên là bãi biển xanh rờn một bên là khu rừng nguyên sinh hùng vỹ, bãi biển Hồ Cóc là một trong những bãi biển lý tưởng cho kỳ nghỉ của bạn. Cũng giống như bãi biển Hồ Tràm, bãi biển này cũng còn rất hoang sơ và chưa được đầu thư khai thác, vì vậy nên khung cảnh ở đây rất vắng vẻ, giản dị với những bãi tắm lung linh, trong xanh tới mức có thể nhìn thấy được đáy. Điều đặc biệt ở biển Hổ Cóc còn là những khối đá khổng lồ nằm chồng chất nên nhau – những khối đá với vô số hình thù khác nhau nằm rải rác dọc bờ biển đón chờ những con sóng đến vui đùa cùng mình.
Hình: Bãi biển Hồ Cóc
2.2. Căn cứ Minh Đạm
Địa điểm: nằm ở phía đông nam huyện Đất Đỏ, cách thị trấn Long Hải khoảng 6km.
Giá vé vào cổng: miễn phí
Khu căn cứ Minh Đạm, hay còn được gọi là núi Minh Đạm là dãy núi dài 8km với ba mặt giáp đều giáp biển và độ cao ấn tượng 355m. Tại đây có vô số hang đá lớn nhỏ nép mình dưới những tán cây, những vách đá cheo leo, những con suối ngọt chảy róc rách quanh năm. Tất cả kết hợp tạo thành một khung cảnh như trong chuyện cổ tích. Đến với căn cứ Minh Đạm, du khách có thể trải nghiệm hoạt động leo núi mạo hiểm và thử sức chinh phục “nóc nhà” của ngọn núi cao hơn 300m này. Ngoài ra, đây còn là nơi để du khách có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, về những địa đạo mà các chiến sỹ cách mạng từng hoạt động, và học một vài kỹ năng “thời chiến” như tạo ra lửa bằng củi khô và mùn cưa, cách nấu cơm trong ống tre, kỹ năng leo trèo…
Hình: Căn cứ Minh Đạm
2.3. Suối nước nóng Bình Châu
Địa điểm: Quốc Lộ 55, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Giá vé:
- Vé vào cổng tham quan và ngâm chân nước khoáng nóng là 160.000/người với người lớn và 80.000/người với trẻ em.
- Vé vào cổng tham quan và tắm nước khoáng nóng là 260.000VND/người với người lớn và 130.000VND/người với trẻ em.
- Vé vào cổng tham quan đi cùng dịch vụ tắm bùn và tắm khoáng là 500.000VND/người với người lớn và 250.000VND/người với trẻ em.
Suối nước nóng Bình Châu, nghe tên thôi là đã thấy “nóng” hết cả người vì không thể chờ đợi để được ngâm mình vào dòng nước ấm nóng, sảng khoái ở đây. Đây là khu du lịch có bồn tắm nóng tự nhiên tích hợp cả buồn tắm bùn. Do đó, nơi đây cung cấp đa dạng các loại dịch vụ từ tắm bùn trắng, tắm bùn đen, tắm thảo dược cho đến tắm hồ thủy lực. Tất cả đều được phục vụ bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và nhiệt tình. Thử tưởng sau một ngày vui chơi mệt mỏi ở Hồ Tràm, có thể đến khu du lịch suối nước nóng Bình Châu để thư giãn, thả lỏng cơ thể thì đúng là vui sướng không còn gì bằng.
Hình: Suối nước nóng Bình Châu
2.4. Rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu
Địa điểm: dọc theo ven biển trải dài trên đại phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc và Phước Bửu,
Giá vé: 20.000 VNĐ/người.
Rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu được biết đến là một khu bảo tồn thiên nhiên với đa dạng các loài thực vật và động vật quý hiếm, thậm chí còn được đưa vào danh sách rừng cấm quốc gia. Tuy nhiên, nơi đây vẫn mở cửa chào đón du khách đến tham quan và tìm hiểu thế giới sinh vật phong phú. Có thể nói, phần lớn Bình Châu – Phước Bửu được bao phủ bởi rừng cây họ Dầu ven biển – một loại thực vật rất độc đáo và thú vị. Người ta ví Bình Châu – Phước Bảo như một thảm thực vật khổng lồ với các thực vật nguyên sinh quý hiếm như Cẩm lai Bà Rịa, Gõ đỏ, Gõ mật, Kơ nia, Giáng hương, Bình linh nghệ, Sơn đào…Không những thế, nơi đây còn là nơi sinh sống của hơn trăm loài động vật, có thể kể đến một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: Gà lôi vằn, Bồ câu nâu, Cú lợn rừng, Yến núi. Độc đáo và lý thú đến thế, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua dành cho những nghiên cứu sinh đang hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, tham quan du lịch.
Hình: Rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu
2.5. Địa đạo Long Phước
Địa điểm: thuộc địa phận của 5 ấp trong xã ấp Đông, ấp Tây, ấp Nam, Ấp Bắc và ấp Phước Hữu
Giá vé vào cổng: miễn phí
Không còn xa lạ gì khi địa đạo Long Phước là một trong những di tích được ghi nhận là di tích quốc gia với vô số các dấu tích cách mạnh hào hùng và tự hào của cha ông ta trong trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ xâm lược. Địa đạo đã được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cho trùng tu, tôn tạo và xây dựng các phòng ốc trưng bày để đón du khách trong và ngoài. Chính vì đây là một địa điểm di tích ghi dấu cách mạng thích hợp để tham quan và nghiên cứu về lịch sử, tìm hiểu về các sự kiện cách mạng, địa đạo Long Phước luôn là điểm đến của các đoàn nghiên cứu sinh, các chuyên gia hay các đoàn thanh niên.
Hình: Địa đạo Long Phước
2. Đến Hồ Tràm nên ăn gì?
2.1. Hải sản
Du lịch biển chắc chắn không thể bỏ qua các món hải sản mới được bắt từ dưới biển lên vẫn còn tươi ngon trộn lẫn với vị tanh của biển. Nhắc đến hải sản Hồ Tràm có thể kể đến các món đặc biệt như tôm, cá, ghẹ, mực…được sơ chế và bày bán ở chợ hải sản Hồ Tràm hay các nhà hàng hải sản ở đây như:
- Quán hải sản Ba Phi: Sát ngã 4 Hồ Tràm cách biển khoảng 200m, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu
- Quán hải sản Kỳ Quán: Sát ngã 4 Hồ Tràm (đối diện quán hải sản Ba Phi), Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu
- Quán hải sản Mỹ Lệ: Gần biển, ngã 4 Hồ Tràm, Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu
Hình: Các món hài sản được bày bán theo từng hộp ở chợ hải sản Hồ Tràm
2.2. Cháo bồ câu
Ngoài hải sản bạn có thể trải nghiệm các món đặc sản làm nên tên tuổi nơi đây là cháo bồ câu. Một tô cháo nóng hổi với mùi vị đậm đà sẽ làm bạn say mê quên lối về. Được biết, thịt bồ câu còn rất bổ dưỡng cho cơ thể như giảm mệt mỏi, đau cơ, bảo vệ da đầu và tóc.
- Cháo bồ câu: 54 Đồ Chiểu, Vũng Tàu
Hình: Cháo bồ câu Hồ Tràm
2.3. Cơm niêu
Cơm được nấu từ niêu mang lại những hạt cơm thơm ngon, dẻo, phần cháy giòn tan ăn kèm với những món ăn kèm hấp dẫn như: Gà sốt nấm, Bò sốt tiêu đen, Heo sốt chao, Tôm sốt tiêu đen, Gà sốt cari xả ớt,…Nếu bạn là một fan cuồng của “cơm” thì chắc chắn không thể bỏ qua món cơm niêu đặc sắc và hấp dẫn này.
- Cơm niêu: Quán Thu Thủy, Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu
Hình: cơm niêu Hồ Tràm
3. Lưu ý khi đi Hồ Tràm
- Bạn đọc nên tránh đi Hồ Tràm vào các dịp lễ hoặc cuối tuần, vì vào những ngày này sẽ rất đông khách du lịch đến tham quan và vui chơi, sẽ dẫn dến đến tình trạng hết phòng. Vì vậy bạn nên đặt phòng trước ở nhà nhé.
- Trong trường hợp hết phòng hoặc nếu bạn muốn qua đêm ở ngoài khách sạn, nhà nghỉ hoặc homestay, bạn có thể mang theo lều trại để dựng ngủ qua đêm.
- Lộ trình từ Sài Gòn đến Hồ Tràm cũng không quá khó di chuyển, tuy nhiên mọi người cũng nên chuẩn bị dầu nhớt và kiểm tra kỹ tình trạng xe nếu quý bạn đọc quyết định đi phượt đến Hồ Tràm. Để chắc chắn trong khâu chuẩn bị cho chuyến đi phượt, mời quý bạn đọc xem bài viết “Kinh nghiệm đi phượt dành cho người mới bắt đầu”
- Biển Hồ Tràm khá nguy hiểm vì ở những vùng sâu có những khu vực có đá ngầm và hố sâu, vì vậy các bạn nên chắc chắn chỉ bơi trong khu vực cho phép, bơi với phao hoặc có sự giám sát của cứu hộ.
Phần 2 cũng là cũng phần cuối cùng của “Cẩm nang du lịch Hồ Tràm từ A đến Z”. Với tất cả những gì bài viết đã chia sẻ, SWIO rất mong rằng quý bạn đọc sẽ có một chuyến đi thật hoàn hảo và thú vị. Đừng quên comment bên dưới một địa điểm mà bạn muốn SWIO chia sẻ tiếp theo nhé!