Không ai trong chúng ta là chưa từng nghe qua thành phố sương mù – Sapa. Sapa luôn nằm trong top-list những địa điểm mà mỗi người trong chúng ta phải đến một lần. Nơi này ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi vẻ núi non hùng vĩ, khí hậu đặc trưng và sự đa dạng trong văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Hôm nay, chúng ta sẽ khám phá vùng đất này nhé. Let’s go!
1. Sapa ở đâu?
Sa Pa là một thị trấn thuộc vùng cao của huyện Sa Pa, nằm trong tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách Hà Nội khoảng 376km và cách Lào Cai khoảng 38km. Đường đến với Sapa không dễ dàng nhưng vẻ đẹp quyến rũ của Sapa do thiên nhiên ban tặng đã khiến nơi đây trở thành địa điểm du lịch vùng núi hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch Việt.
Sapa trên bản đồ Việt Nam
2. Tại sao có tên là Sapa ?
Theo nghiên cứu của về văn hóa lịch sử, tên Sapa có nguồn gốc từ tiếng của người H’Mông. Họ gọi vùng đất này là Sa Pả, có nghĩa là ‘bãi cát’. Sở dĩ có tên gọi như thế vì trước đây nơi này có một bãi cát rộng, nơi mọi người thường họp chợ.
Sapa có tên gốc là Sa Pả, nghĩa là “bãi cát”
Vào thời Pháp thuộc, tên hành chính của Sapa trên bản đồ là Chapa. Từ sau Cách mạng tháng Tám (1945), tên Sapa được chính thức sử dụng trong các văn bản hành chính Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta có thể viết “Sapa” hay “Sa Pa” đều được.
Ngày nay, Sapa có một phường tên là Sa Pả, tên gọi này nhằm gợi nhớ cái tên nguyên bản của thành phố này.
3. Các tên gọi khác của Sapa ?
Sapa còn được mọi người gọi là “vùng đất sương mù” do nằm ở độ cao hơn 1500m so với mực nước biển tại sườn Lô Suây Tông nên quanh năm thị xã này được sương mù bao quanh. Mọi người nói rằng “Khi ở đây vào sáng sớm, chúng ta cứ ngỡ như đang lơ lửng trên mây vậy”, nghe thích thật đúng không nào ?
Có lẽ chính vì nét độc đáo này đã góp phần giúp Sapa được trang Purewow (trang giới thiệu, đánh giá về địa điểm, thức ăn, cảnh đẹp…) đánh giá là top 5 trong 50 địa điểm đẹp nhất hành tinh năm 2018.
4. Sapa có phải là thành phố không ?
Trước đây, Sapa là vốn là một thị trấn thuộc tỉnh Lào Cai. Từ ngày 1/1/2020, sau khi sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính, thị trấn Sa Pa đã được nâng lên thành thị xã Sa Pa theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam.
Sapa – thị xã trong mây
5. Sapa có bao nhiêu xã ?
Thị xã Sa Pa có 16 đơn vị hành chính bao gồm 6 phường : Cầu Mây, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ, Fanxipan, Sa Pa, Sa Pả; và 10 xã: Bản Hồ, Hoàng Liên, Liên Minh, Mường Bo, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải.
6. Sapa có bao nhiêu dân tộc sinh sống ?
Sapa có 6 dân tộc : H’Mông, Kinh, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó. Trong đó, dân tộc H’Mông chiếm hơn 50% dân số nơi này. Mọi người ở đây sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Có 6 dân tộc sinh sống tại Sapa
7. Nhiệt độ trung bình của Sapa là bao nhiêu ?
Do nằm ở vị trí cao so với mực nước biển, Sapa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm và ôn đới, nhiệt độ trung bình hằng năm là 15 độ C. Vào mùa hè, thời tiết ở thị xã một ngày như là có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, có nắng, không khí dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Mùa hè, thị xã không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có lúc xuống dưới 0 °C và có tuyết rơi.
Sapa có khí hậu lạnh quanh năm
8. Sapa có tuyết rơi vào thời điểm nào ?
Sapa là một trong hai khu vực hiếm hoi ở Việt Nam có tuyết rơi vào mùa đông. Thông thường, tuyết sẽ rơi vào khoảng tháng 12 cho đến hết tháng 1. Tuy nhiên, mọi người không xác định chính xác được thời gian, còn phải tùy thuộc vào thời tiết mỗi năm. Có năm, tuyết chỉ rơi 1 – 2 ngày, nên việc các bạn đến Sapa “săn tuyết” thì còn tùy vào may mắn nữa nhé, hãy theo dõi dự báo thời nếu có ý định đến đây xem tuyết rơi. Mọi người tham khảo thêm bài viết về tuyết ở Sapa để biết thêm hoạt động này nhé.
Sapa là nơi rất hiếm tại Việt Nam có tuyết rơi
9. Sapa có gì chơi ?
Các địa điểm mà khi mọi người đến Sapa nhất định phải ghé qua :
- Chinh phục đỉnh Fansipan
- Đến bản Cát Cát của người H’Mông
- Check-in nhà thờ đá
- Khu du lịch núi Hàm Rồng
- Cung đường thác bạc – Thác tình yêu – Cổng trời
SWIO đã có một bài viết giới thiệu chi tiết về các điểm trên, mọi người truy cập vào link Cẩm nang du lịch Sapa từ A đến Z – Phần 1 để biết rõ hơn nhé.
10. Đi Sapa ăn gì?
Văn hóa đặc sắc vùng cao không chỉ thể hiện qua phong tục tập quán mà còn được gửi gắm qua các món ăn độc đáo. Ngoài các món mà SWIO từng giới thiệu ở Cẩm nang du lịch Sapa từ A đến Z – Phần 2. Sapa còn nổi tiếng với các món như mèn mén, pa pỉnh tộp, măng nộm hoa ban, khâu nhục…
- Mèn mén hay còn gọi là cơm ngô là một món ăn của người H’Mông được làm từ ngô (bắp), xay nhỏ sau đó đem đồ giống như cách đồ xôi. Người H’Mông ăn mèn mén hằng ngày như người dưới xuôi ăn cơm. Mèn mén thường được ăn cùng với canh rau cải, thắng cố, óc đậu…
Món mèn mén của người H’Mông
- Pa pỉnh tộp là món ăn cổ truyền của dân tộc Thái vùng Tây Bắc và người Thái Đen ở Loei, Thái Lan. Đây là món ăn quý, rất được trân trọng. Nguyên liệu chính là cá suối như cá chép, trôi, trắm thật tươi. Gia vị ướp trực tiếp vào trong mình cá gồm gừng, sả, rau thơm và đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân. Bên ngoài xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Pa pỉnh tộp nướng trên lửa than. Khi nướng phải dùng thanh tre kẹp lại để vị cá thêm đậm đà khi các loại gia vị thấm sâu vào từng thớ thịt và tỏa hương thơm.
Pa pỉnh tộp nối tiếng trứ danh
- Măng nộm hoa ban: nguyên liệu chính của món này là măng đắng và hoa ban tươi. Để có những bông hoa ban tươi, người phụ nữ Tây Bắc phải thức dậy từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, lên rừng hái những bông hoa còn đọng hạt sương. Sau khi luộc kĩ măng đắng đã cắt vừa ăn và hoa ban, chúng ta trộn chúng lại với nhau với các gia vị như muối, lá tỏi tươi, riềng, tỏi khô, hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Sau đó đợi tầm 20 phút là đã có món nôm rất ngon rồi nhé. Tuy nhiên, để cho món ăn có thêm vị béo ngọt thì người dân thường bỏ thêm thịt cá suối nướng vào, thật sự rất ngon.
Món ngon từ hoa ban
- Khâu nhục là món thịt kho có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Khâu nhục được du nhập vào Việt Nam qua sự biến tấu của người dân tộc Tày, Nùng, Ngái (gọi là Nằm khâu), qua thời gian đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của miền Tây Bắc. Món này có thể hiểu đơn giản là thịt ba chỉ ướp được hấp với môn ngọt, cải cúc, lá tần ô… Thịt hấp thật nóng, mềm, đậm vị và béo ngậy thích hợp cho những ngày đông đến rẻo cao.
Món khâu nhục tròn vị cho những ngày đông
Sapa thật đẹp đúng không nào? Đẹp từ cảnh sắc đến con người và cả ẩm thực nữa. Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ một nơi như thế được chứ, hãy xách balo lên và đi thôi nào!
11. Đi sapa mùa nào đẹp?
Chắc hẳn qua bài viết trên bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất”. Bạn có thể tới Sa Pa vào bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thời gian thích hợp nhất khi mà Sa Pa vừa có nhiều cảnh đẹp mà lại thuận tiện cho việc di chuyển đó là từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc từ tháng 9 đến tháng 11. Vào khoảng thời gian này thời tiết ở Sa Pa tương đối ôn hòa, ban ngày nắng ấm và lạnh về đêm. Đặc biệt, nếu tới Sa Pa vào tháng 3 đến tháng 5, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thung lũng hoa đang đua nhau khoe sắc tuyệt đẹp và những cánh đồng rau xanh mướt. Khung cảnh tại Sa Pa lúc này đẹp như thiên đường khiến bạn sẽ không nỡ cất bước đi khỏi thị trấn nhỏ xinh đẹp này.