Phố cổ Hội An luôn được nhắc đến là một điểm đến du lịch đáng tự hào của Việt Nam. Những căn nhà ngói san sát nhau tạo nên một con phố cổ kính, sắc nến lung linh của lồng đèn Hội An, những hoa đăng nhuộm ánh vàng cả dòng sông Hoài yên ả, ngôi chùa Cầu độc nhất tại Việt Nam hay con người Hội An mến khách. Tất cả những hình ảnh này từ lâu đã đi khắp năm châu, là biểu trưng cho một Việt Nam thanh bình.
Bài viết hôm nay SWIO muốn chia sẻ cho mọi người tất cả những thông tin về phố cổ Hội An. Mọi người cùng đọc để có thể biết rõ về địa điểm nổi tiếng này và giới thiệu cho bạn bè, những ai muốn đến khám phá Hội An nhé.
1. Phố cổ Hội An ở đâu?
Phố cổ Hội An có vị trí ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển duyên hải miền Trung tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Không ồn ào, náo nhiệt, Hội An mang vẻ đẹp bình lặng và cổ kính. Phố cổ này được chia thành 9 phường khác nhau. Phía đông giáp với biển Đông, phía tây giáp thị xã Điện Bàn, phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, còn lại phía Bắc giáp với thị xã Điện Bàn và biển Đông.
Một góc Phố cổ Hội An
2. Lịch sử hình thành
Phố cổ Hội An ra đời vào nửa cuối thế kỉ 16, vào thời kì nhà Lê đạt được sự thịnh vượng nhất. Con phố này được xây dựng với lối kiến trúc kết hợp giữa Trung Hoa và Nhật Bản.
Phố cổ Hội An những năm 1950
Xuyên suốt thế kỉ 17 và 18, nơi đây từng là một thương cảng quốc tế sầm uất của nước ta, là nơi giao lưu buôn bán với nhiều thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Cũng ở khu vực này, trước đây cũng từng là thương cảng Champa được mệnh danh là con đường tơ lụa trên biển.
3. Hội An có ý nghĩa gì?
Trước đây, Hội An từng có tên là Hoài Phố. Người phương Tây lúc bấy giờ còn gọi Hội An là Faifo, nghĩa là đô thị. Tuy nhiên tên này không được xem là tên gọi chính thức của phố cổ vào thời điểm đó.
Đối với tên Hội An ngày này thì không xác định được nó có từ thời gian nào. Vào thời Lê, trên bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ có ghi lần đầu các địa danh Hội An phố, Hội An đà và Hội An kiều.
Phố cổ về đêm bên dòng sông Hoài
Trong tiếng Anh, Phố cổ Hội An được gọi là Hoi An Ancient Town. Cái tên này thường xuyên được đăng lên các tạp chí khắp toàn cầu, du khách quốc tế biết đến phố cổ Hội An là một khu phố hoài cổ, mộc mạc đậm chất phương Đông mà ở trời Tây hiếm khi thấy.
4. Phố cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới khi nào?
Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1999. Sự công nhận này được dựa trên hai tiêu chí:
- Hội An là một vật thể nổi bật, một thương cảng quốc tế có sự kết hợp của nhiều nền văn hóa qua nhiều thời kì.
- Hội An là một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn trọn vẹn đến ngày nay.
5. Khí hậu tại Phố cổ Hội An
Hội An có khí hậu của nhiệt đới ven biển với 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Đặc trưng khí hậu nơi đây nóng ẩm, có mùa nắng và mùa mua, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông. Thời điểm nóng nhất của mùa hè nhiệt độ vào khoảng 28 – 33 độ C, mùa đông nhiệt độ ở mức 18 – 33 độ C. Như thế Hội An có khí hậu trung hòa giữa hai miền Bắc – Nam, không nóng gắt như miền Nam và cũng không rét lạnh như miền Bắc.
6. Nên đi Phố cổ Hội An vào thời gian nào?
Thời gian đẹp nhất để đi Hội An là tháng 2 đến tháng 4. Khoảng thời gian này tiết trời xuân, khí trời mát mẻ, ít mưa và nắng nhẹ. Tháng 5 đến tháng 8 cũng thích hợp nhưng nắng gắt hơn, oi bức hơn một chút nhưng cũng không sao nhé.
Dù thời tiết nào thì Phố cổ vẫn có nét đẹp riêng. (Nguồn: Sưu tầm)
Nếu bạn dự định đến Hội An vào tháng 9 đến tháng 1 thì nên cân nhắc nhé vì lúc này Hội An đang vào mùa mưa. Để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ nhất có thể thì mọi người nên xem dự báo thời tiết trước cho chắc nha.
7. Có cần mua vé khi vào Phố cổ Hội An không?
Nếu bạn chỉ đi dạo phố, chụp ảnh và ngắm cảnh thì hoàn toàn miễn phí. Còn nếu bạn muốn tham quan và tìm hiểu các địa điểm di sản (như miếu Quan Công, chùa Cầu, bảo tàng Hội An, nhà cổ, hội quán, lăng mộ các thương nhân người Nhật…) thì phải mua vé.
Nhà thờ tộc Trần. (Nguồn: dantri.net)
Giá vé như sau:
- Dành cho khách Việt Nam: 80.000đ/vé
- Dành cho khách quốc tế: 150.000đ/vé
8. Thời gian mở cửa của Phố cổ Hội An
Phố cổ cho tham quan từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối hằng ngày.
Các khung giờ cho các hoạt động trong phố:
- Phố cấm các loại xe chạy vào từ 9h00 đến 11h00 và 15h00 đến 22h00, mọi người chỉ được đi bộ trong khoảng thời gian này.
- Từ 17h30 đến 21h mỗi ngày sẽ có buổi trình diễn nghệ thuật văn hóa cổ truyền Hội An tại 66 Bạch Đằng và 39 Nguyễn Thái Học.
- Từ 19h00 đến 21h00 có chương trình biểu diễn dân ca tại 78 Lê Lợi và biểu diễn piano tại 106 Bạch Đằng.
- Từ 9h00 đến 11h00 và 15h00 đến 22h00 có chương trình “cắt rớ trên sông” tại sông Hoài.
- Chợ đêm sẽ mở cửa từ 17h00 đến 23h00 hằng ngày trên phố Hoàng Nguyễn.
Các món lâu đời như tò he cũng được bán tại chợ đêm
9. Các phương tiện di chuyển trong Phố cổ
- Xích lô: nếu đến đây mà bạn không muốn đi bộ thì di chuyển bằng xích lô cũng là một trải nghiệm thú vị đấy nhé. Bạn có thể đón xích lô tại đường Trần Phú hoặc đường Phan Châu Trinh, giá xe khoảng 150.000đ/xe/giờ.
- Xe đạp: du khách nước ngoài, các bạn trẻ ưa chọn cách đi xe đạp để tự mình khám phá mọi ngõ ngách của Phố cổ. Một số khách sạn có xe đạp miễn phí cho bạn dùng, nếu không bạn có thể thuê xe với giá chỉ 40.000đ/ngày.
Đạp xe xuyên những con phố. (Nguồn: dulichvietnam)
Bấy nhiêu thông tin thôi cũng đủ để cho mọi người hiểu thêm vầ Phố cổ Hội An rồi đúng không nào? Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp mọi người tự tin hơn khi giới thiệu Phố cổ nước mình cho bạn bè quốc tế, càng làm cho địa danh này nổi tiếng hơn nữa.