Ở bài viết trước, SWIO đã chia sẻ đến mọi người về thời gian, kinh nghiệm khi đi Fansipan rồi đúng không? Hôm nay SWIO sẽ cùng các bạn khám phá hơn 10 trải nghiệm trong hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam này nhé.
Chúng ta sẽ đi từ chân núi đến đỉnh núi, giờ thì mình bắt đầu nhé!
1. Tàu hỏa leo núi Mường Hoa
Như bài viết trước đã đề cập, nếu bạn chọn cách leo núi thì sẽ mất 2 ngày, khi bạn đi cáp treo sẽ chỉ mất 15 phút. Vì vậy nên cách đi cáp treo được nhiều người lựa chọn hơn.
Tàu leo núi Mường Hoa (Nguồn ảnh: Sun World)
Khi chọn cách đi cáp treo thì ngồi tàu hỏa leo núi Mường Hoa sẽ là chặng đường đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng ta. Tàu hỏa leo núi Mường Hoa có tổng chiều dài 1.7km, là tàu hỏa leo núi dài nhất Việt Nam. Tàu băng qua thung lũng Mường Hoa, ta có thể ngắm nhìn cảnh sắc thơ mộng, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Tàu rộng rãi, thiết kế sang trọng
Hơn thế nữa, trên đường đi, chúng ta còn ngắm được thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam với hơn 300.000 gốc hoa hồng đủ bao gồm hồng nội như Hồng cổ Sa Pa, Hồng Bạch, Hồng Tố nữ và Hồng ngoại nhập như Hồng Nhật Aoi, Hồng Julie, Hồng Blue Storm…
Tàu sẽ đi ngang thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam
Bạn sẽ mất 6 phút ngồi tàu để đến được trạm ga cáp treo Hoàng Liên – ga đi của cáp treo Fansipan.
Giá vé: 100.000 VNĐ/2 chiều
2. Chùa Trình – Bảo An Thiền Tự
Chùa Trình hay còn được gọi là Bảo An Thiền Tự, nằm ở độ cao 1604m, là nơi dừng chân của chúng ta trước khi bắt đầu lên cáp treo đến đỉnh Fansipan.
Ở độ cao như thế, Bảo An Thiền Tự với kiến trúc xưa cũ với gỗ và đá cùng với chút mây mờ khiến cho không gian nơi đây trở nên an nhiên, tĩnh mịch.
Chùa có kiến trúc chùa Việt xưa
Chùa gồm có 3 điện, chính điện là Tam Bảo, 2 bên là Đức Thánh Trần Chiều, Tam toà Thánh Mẫu, 2 ban đối diện thờ Tứ Vị Bồ Tát, 2 lầu 2 bên thờ Hai Bà Trưng và thờ Đức Vua Hùng. Mọi người thường ghé đây để thắp hương, cầu mong sự bình an cho bản thân và gia đình.
3. Cáp treo Fansipan
Sau khi tàu hỏa leo núi Mường Hoa đưa ta đến ga Hoàng Liên, tại đây ta sẽ đi cáp treo để đến với đỉnh Fansipan. Cáp treo Fansipan là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới có thể hoạt động an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, đây cũng là tuyến cáp đạt kỉ lục Guinness: “Cáp treo ba dây có độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m”.
Cáp treo Fansipan (Nguồn ảnh: Sun World)
Mọi người sẽ có 15 phút đi cáp treo và ngắm phỏng cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp bên dưới. Càng lên cao, mây bao phủ nhiều hơn, đây là lúc đắt giá nhất để chúng ta chụp được những tấm ảnh săn mây như thể ta được chạm vào những tầng mây lơ lửng.
Cáp treo trong tầng mây (Nguồn ảnh: Sun World)
4. Tàu hỏa leo núi Fansipan
Khi đi cáp treo đến ga Fansipan, chúng ta chỉ còn cách đỉnh mốc Fansipan 600 bậc thang. Bạn có thể chọn cách leo bộ từ đây để đến đỉnh cao nhất. Hoặc bạn có thể tiếp tục đi tàu hỏa leo núi nữa nhé.
Tàu hỏa leo núi với độ dốc cao
Từ ga Đỗ Quyên, tàu hỏa leo núi Fansipan đưa bạn vào hành trình chinh phục Fansipan độc đáo. Khác với tàu hoả leo núi Mường Hoa, tàu hoả leo núi Fansipan có đường chạy dốc hơn, đưa mọi người vào hành trình vượt núi ở độ cao ấn tượng. Ngồi trên tàu Fansipan, ta sẽ được xuyên qua những đám mây lững thững trên lưng núi để ngắm nhìn trọn vẹn sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
5. Cột cờ Tổ Quốc
Cột cờ có chiều cao 25m, được xây dựng tỉ mỉ và chắc chắn từ đá xanh Thanh Hoá, gỗ tứ thiết. Đặc biệt, phần đế cột cờ được chạm khắc tinh xảo hình ảnh văn hoá dân tộc: như cồng chiêng Tây Nguyên, tháp Chàm, văn hóa Tây Bắc, vịnh Hạ Long…
Cột cờ nơi cao nhất Việt Nam
Khoảng 10h – 10h30 ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật, lễ thượng cờ sẽ được diễn ra trang trọng trên đỉnh Fansipan. Nhìn ngắm lá cờ Tổ Quốc tung bay trên nền trời cao của đất nước thật khiến cho mỗi chúng ta cảm thấy tự hào, yêu quê hương hơn.
Lễ thượng cờ (Nguồn ảnh: Sun World)
6. Bích Vân Thiền Tự
Bích Vân Thiền Tự
Với độ cao 3037m, Bích Vân Thiền Tự là điểm đến tâm linh tiếp theo trong hành chính của chúng ta. Công trình được thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Trần, cấu trúc tam cấp với đền thờ Đức Thánh Trần và Đền thờ Tam thánh Mẫu đối xứng 2 bên.
Chùa mang vẻ trang nghiêm, cổ kính
Nơi đây được ví như chốn bồng lai bởi mây trời bao phủ. Đứng trước sân chùa, ta ngắm được toàn cảnh mênh mông trước mắt, cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn.
7. Vọng Lĩnh Cao Đài
Vọng Lĩnh Cao Đài hay còn gọi là Đại Hồng Chung, đặt trên trục chính của Bích Vân Thiền Tự, cao 32,8m. Vọng Lĩnh Cao Đài gồm 5 tầng, có bố cục thẳng đứng với lầu chuông 8 mái.
Vọng Lĩnh Cao Đài
Công trình có nét kiến trúc điển hình tương tự ở các ngôi cổ tự nổi tiếng miền Bắc như chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, chùa Keo…
8. Kim Sơn Bảo Thắng Tự
Kim Sơn Thắng Tự là công trình mang kiến trúc của một ngôi chùa cổ nằm cheo leo trên đỉnh núi, dáng chùa tiệp với màu xanh của đại ngàn, khi ẩn hiện giữa màn sương đẹp. Phong cách chủ đạo của kiến trúc các công trình được kế thừa từ những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm nhất Việt Nam như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên), chùa Thầy (Hà Nội) …
Kim Sơn Thắng Tự mang kiến trúc chùa xưa
Ở vị trí trung tâm là Đại Hùng Bảo Điện, nơi quy tụ nhiều pho tượng Phật do các nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng của Việt Nam chế tác. Phong cách bài trí tượng trong chùa tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thiền phái Bắc tông.
Dọc hai bên tòa thượng điện là hành lang tả vu, hữu vu, trưng bày 18 pho tượng La Hán sơn son thếp vàng tinh tế. Tuy là công trình lớn nhất của quần thể văn hóa tâm linh Fansipan nhưng Kim Sơn Bảo Thắng Tự cũng chỉ có 5 gian, cao dưới 10m, sân thềm rộng không đến 30m.
Các chi tiết trang trí mái theo hình mẫu từ các di chỉ thành Thăng Long
9. Bảo Tháp
Nằm ngay trên trục chính của Kim Sơn Bảo Thắng Tự là bảo tháp 11 tầng. Bảo tháp được ốp đá sa thạch khai thác từ miền Trung với dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Trần. Phía trên đỉnh tháp là hoa sen được đúc bằng đồng. Tiền mẫu của công trình chính là ngôi tháp chùa Phổ Minh nổi tiếng ở Nam Định.
Bảo Tháp 11 tầng
10. Đại tượng Phật
Đây là đại tượng phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam. Tượng cao 21,5m, được đúc bằng 50 tấn đồng theo công nghệ hiện đại với những đường nét trang trí mang tinh hoa của mĩ thuật thời Trần như hình rồng, hoa sen, sóng nước… được chạm trổ tinh tế trên bệ đỡ chân tượng.
Tượng Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam
Theo đại diện khu du lịch đỉnh Fansipan, dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi, Phật tử và du khách còn được chiêm bái xá lợi Phật đặt trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà. Đây là Ngọc Xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm và được tổ đình Vĩnh Nghiêm cúng dường Đại tượng Phật tại Fansipan, nguyện cầu Quốc thái Dân an.
Xá lợi phật được để trong tháp phê lê lưu ly 7 tầng, tỏa sáng lung linh trong lòng của Đại tượng Phật.
Xá Lợi Phật
11. Đỉnh Fansipan
Đến rồi! Đây là điểm cuối cùng và cao nhất trong hành trình của chúng ta – đỉnh Fansipan. Với độ cao 3143m, đến đây và chạm tay vào cột mốc này thì quả thật là một kỉ niệm đáng nhớ cho chuyến đi này, chúng ta đã chinh phục được “nóc nhà Đông Dương”.
Nóc nhà Đông Dương
Đứng tại đây, nhìn toàn cảnh xung quanh và cảm thấy tự hào về chính mình khi được đặt chân lên nơi cao nhất Việt Nam. Quả thật tuyệt vời đúng không nào?
Mong rằng hành trình qua bài viết này giúp mọi người cảm nhận được giá trị thiên nhiên và tâm linh của Fansipan. Bạn nào đã chạm tay được vào cột mốc cao nhất này thì hãy cho SWIO biết với nhé!